Thông tin tổng quan
Để cung cấp nguồn giáo viên cho ngành giáo dục của tỉnh nhà, trường Trung cấp Sư phạm Vĩnh Phúc được thành lập ngày 23/4/1997 theo Quyết định số 384/QĐ-UB của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc... Sau 1 năm hoạt động được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 192/1998/QĐ-TTg ngày 29/9/1998 thành lập trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc; Để đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành, năm 2010, trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc theo Quyết định số 4680/BGDĐT, ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Chức năng, nhiệm vụ của trường: Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc là cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trường chịu sự quản lý của Sở Giáo dục-Đào tạo Vĩnh Phúc và quản lý Nhà nước về đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước áp dụng cho hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng công lập Nhà nước; Trường có nhiệm vụ cơ bản là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội có trình độ cao đẳng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hoá, có sức khoẻ, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp, sáng tạo trong giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành tương xứng với trình độ được đào tạo, thích ứng với điều kiện môi trường luôn thay đổi, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; Nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ; Phối hợp với các trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tham gia các dự án, đề án của Bộ Giáo dục Đào tạo và các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao; Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường theo quy định của pháp luật.
Sau khi xây dựng và phát triển, trường đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, Ban ngành liên quan trong tỉnh và địa phương nơi trường đóng. Công tác đào tạo của nhà trường dần đi vào ổn định. Đội ngũ CBVC ngày càng trưởng thành, đủ phẩm chất và năng lực, vững vàng tự tin trong công việc.
Công nhận - Kiểm định
Không đề cập
Cơ sở vật chất
Đến nay, nhà trường có cơ sở vật chất đảm bảo cho nhu cầu đào tạo và phát triển. Tổ chức bộ máy nhà trường cơ bản đã ổn định theo đúng quy chế hoạt động của trường Cao đẳng Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt: Ban giám hiệu, 08 phòng chức năng, 03 khoa chuyên môn, 03 tổ trực thuộc, 02 trung tâm, tính đến năm học 2015-2016 nhà trường có: 187 (cán bộ giảng dạy 141, viên chức 46), trong đó có 4 tiến sĩ, 96 thạc sĩ, đang học NCS 10, và 20 đang học cao học.
Tổng diện tích của trường là 5,8 ha đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo khoảng 5000 sinh viên của một trường cao đẳng đa ngành. Thực hiện đề án phát triển trường đến năm 2020, trường đã quy hoạch lại tổng thể và xây mới toàn bộ các công trình. Tính đến thời điểm 31/12/2015 nhà trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm một số hạng mục công trình: Nhà điều hành; Thư viện; Nhà tập đa năng; Hội trường kiêm giảng đường lớn; Giảng đường 07 tầng; Nhà khách; Ký túc xá; Ký túc xá số 2; Nhà thí nghiệm thực hành; Nhà để xe đạp, xe máy, ô tô; Khu giảng đường cấp 3; Bể bơi; Sân vận động; Hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, đường điện, nước, vườn hoa cây cảnh được sửa chữa, bổ sung, ... cơ bản đủ các điều kiện phục vụ đào tạo.
Thiết bị dạy học: từ năm học 2011-2012 đến nay, nhà trường tiếp tục đầu tư kinh phí để mua sắm thêm trang thiết bị văn phòng, thiết bị phục vụ dạy và học: thiết bị thí nghiệm và đồ dùng dạy học được bổ sung nhiều, số lượng phong phú, đáp ứng được công tác đào tạo các ngành học. Hiện tại trường có: 03 phòng Lab dạy ngoại ngữ với 110 máy; 03 phòng thí nghiệm Lý - Hóa – Sinh; 01 phòng học đàn với 50 đàn oocgan; 03 phòng thực hành tin học với 240 máy tính nối mạng; Thư viện hiện có 7750 đầu sách với 73.565 bản và 6200 cuốn tập bài giảng do CBGV nhà trường biên soạn, 32 loại báo, tạp chí cập nhật thường xuyên phục vụ đầy đủ nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, giảng dạy và học tập của CBGV và HSSV. Các phòng học được trang bị đầy đủ máy chiếu đa phương tiện, máy vi tính nối mạng, hệ thống wifi phủ kín toàn trường đáp ứng nhu cầu làm việc, học tập, nắm bắt thông tin của CBVC, HSSV của nhà trường..; Nhà trường thực hiện phương pháp quản lý 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự và nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động quản lý.
Đời sống sinh viên
Nhà trường đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức học sinh, sinh viên, chỉ đạo tổ chức quản lý chặt chẽ theo Quy chế quản lý học sinh sinh viên của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Hàng năm, nhà trường tổ chức tốt Tuần giáo dục công dân HSSV, cung cấp cho HSSV đầy đủ các văn bản của Bộ GD ĐT, hướng dẫn của nhà trường có liên quan; phối hợp với địa phương đảm bảo an ninh, trật tự và quản lý tốt HSSV nội và ngoại trú; Nhà trường thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với HSSV về học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, hỗ trợ HSSV nghèo vượt khó,….